9 Yếu Tố Cốt Lõi Trong Mô Hình Kinh Doanh - Khởi Đầu Đúng Đắn Cho 2020

Mô hình kinh doanh là một khái niệm không còn xa lạ trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận với mô hình này hoặc đã tiếp cận nhưng vẫn còn mơ hồ. Chính vì thế, trong quá trình triển khai hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp gặp phải những khó khăn, vướng mắc mà không có lời giải đáp.

Nhân dịp đầu năm mới 2020, Nhật Thực Media xin chia sẻ với các bạn những hiểu biết cơ bản của mô hình kinh doanh, xoay quanh 9 yếu tố cốt lõi cần làm rõ trong một doanh nghiệp hoặc một hoạt động kinh doanh.

Qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ giúp bạn đánh giá, nhận xét lại các yếu tố quan trọng trong mô hình kinh doanh của mình, từ đó có những điều chỉnh hiệu quả hơn cho năm tài chính 2020.

Chúng ta hãy cùng bắt đầu nhé!

Mô hình kinh doanh - Business Model Canvas được phát triển bởi A. Osterwalder, Yves Pigneur, Alan Smith, và 470 học viên đến từ 45 quốc gia khác nhau phối hợp đóng góp.  Mô hình kinh doanh Business Model Canvas là một trong những mô hình kinh doanh được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, từ các công ty nhỏ cho đến những tập đoàn khổng lồ như Facebook, Apple…

mô hình kinh doanh

Mô hình kinh doanh

Hiện nay có rất nhiều mô hình kinh doanh đã ra đời và đang tạo ra nhiều thành công cho nhiều doanh nghiệp khác nhau trên thế giới.

Chúng ta có thể liệt kê một số mô hình kinh doanh phổ biến sau đây:

Mô hình bán hàng truyền thống: Các công ty như Apple, Samsung... đang áp dụng mô hình này

Mô hình bán hàng trực tiếp: Ví dụ như công ty Amway, Vision, Avon...là những công ty bán hàng trực tiếp lâu đời và rất thành công trên thế giới.

Mô hình chia sẻ quyền sở hữu: Các mô hình nhà cho thuê ở Việt Nam là một ví dụ phổ biến cho mô hình này.

Mô hình kinh tế chia sẻ: Grab, Uber, AirBnB… là những ví dụ điển hình của mô hình kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh mẽ trong mấy năm trở lại đây.

Mô hình thương mại điện tử: Amazon, Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Alibaba...chính là các công ty áp dụng thành công mô hình thương mại điện tử trên quy mô quốc gia hoặc toàn cầu.

Mô hình trải nghiệm: Tesla là một đại diện cho mô hình kinh doanh mới này.

Mô hình hệ sinh thái: Google là mô hình kinh doanh theo hệ sinh thái. Google xây dựng ra hàng trăm sản phẩm khác nhau để phục vụ cho nhu cầu số hóa của khách hàng. Ở Việt Nam thì Vingroup là một hình mẫu tiêu biểu cho mô hình hệ sinh thái với tổ hợp nhiều sản phẩm dịch vụ khác nhau như bất động sản, bán lẻ, trường học, bệnh viện, công nghệ, giải trí…

Mô hình thuê bao: Các công ty bán website, domain, hosting, tải file như Nhật Thực Media kinh doanh theo mô hình này

Mô hình kinh doanh miễn phí: Facebook, Zalo, Google, Youtube... kinh doanh theo mô hình miễn phí để thu hút và phát triển người dùng.

Mô hình miễn phí kết hợp có phí: Facebook, Zalo, Google...thu hút người dùng sử dụng miễn phí nền tảng của họ, sau đó sẽ bán các dịch vụ có phí như quảng cáo, nâng cấp các gói dịch vụ cao cấp hơn có trả phí.

Mô hình đấu giá: Ebay là một mô hình đấu giá nổi tiếng trên thế giới

Mô hình độc quyền: Các thương hiệu thời trang như Uniqlo, Zara...lựa chọn mô hình độc quyền để kinh doanh

Mô hình nhượng quyền: Nổi tiếng thành công trong mô hình nhượng quyền là hệ thống thức ăn nhanh, trà sữa... như Mcdonald, Burger King, Tocotoco…

Tuy nhiên, tựu trung lại, các mô hình kinh doanh trên đều tuân thủ 9 yếu tố cốt lõi mà bất kỳ doanh nghiệp, dù vận dụng mô hình nào cũng đều phải xác định rõ.

Vậy 9 yếu tố cốt lõi đó là gì mà doanh nghiệp nào cũng phải có?

Yếu tố cốt lõi đầu tiên: Giá trị khác biệt của sản phẩm dịch vụ

Giá trị khác biệt của sản phẩm dịch vụ

Giá trị khác biệt của sản phẩm dịch vụ

Bạn đang cung cấp sản phẩm dịch vụ gì? Là sản phẩm hữu hình hay vô hình? Sản phẩm mang lại giá trị và lợi ích gì cho khách hàng của bạn?

Ví dụ: Sản phẩm của bạn làm cho khách hàng đẹp hơn, đáng yêu hơn, thành đạt hơn, tiết kiệm hơn…

Bạn kinh doanh cafe nhưng bạn bán giá trị, lợi ích gì cho khách hàng? Là cafe hay chỗ ngồi, là không gian giao tiếp đẳng cấp như Starbucks hay không gian làm việc năng động như Coffee House…

Tất cả đều phải được xác định rõ ràng trong mô hình kinh doanh của bạn!

Đó chính là lợi ích của sản phẩm, dịch vụ bạn mang lại cho khách hàng!

Những lợi ích này sẽ giải quyết vấn đề, nổi đau của khách hàng nhưng đồng thời cũng làm cho khách hàng sung sướng hơn, hạnh phúc hơn!

Chưa dừng lại ở đó, điều quan trọng nhất ở yếu tố này đó là, bạn cần xác định rõ, điểm khác biệt của bạn là gì so với đối thủ cạnh tranh?

Trong kinh doanh điểm khác biệt này chính là lợi thế cạnh tranh của bạn, giúp bạn định vị thương hiệu với khách hàng, khiến khách hàng lựa chọn bạn mà không phải là đối thủ của bạn!

Thuật ngữ bán hàng gọi điều này chính là USP bán hàng của bạn!

USP của bạn có thể là gì? Chất lượng tốt nhất, giá cả rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn?

Bạn cần làm rõ đến từng chi tiết, ví như, dịch vụ của bạn có thể giao hàng nhanh hơn đối thủ, sản phẩm của bạn là độc quyền, giá của bạn rẻ hơn gấp đôi đối thủ, hay sản phẩm của bạn đẹp hơn, chất lượng phục vụ tối ưu hơn…

Tất cả phải được xác định rõ ràng, ít nhất doanh nghiệp của bạn phải tìm ra 3 điểm bán hàng khác biệt để thu hút và giữ chân khách hàng của bạn.

Tất cả những điều này cần phải được doanh nghiệp của bạn rà soát, đánh giá cẩn thận để tìm ra những giá trị, lợi ích mà doanh nghiệp của bạn có thể mang đến cho khách hàng. Đồng thời xác định được lợi thế cạnh tranh khác biệt của bạn khiến khách hàng phải lựa chọn bạn mà không phải là đối thủ của bạn!

Yếu tố cốt lõi thứ 2: Phân khúc khách hàng mục tiêu

Phân khúc khách hàng mục tiêu

Phân khúc khách hàng mục tiêu

Phân khúc khách hàng mục tiêu là nhóm khách hàng mà doanh nghiệp của bạn mong muốn phục vụ.

Sẽ có rất nhiều khách hàng tiềm năng có thể sử dụng sản phẩm dịch vụ của bạn, nhưng doanh nghiệp của bạn cần xác định rõ phân khúc khách hàng nào bạn muốn phục vụ, phân khúc khách hàng nào phù hợp với sản phẩm, dịch vụ của bạn.

Tuy nhiên, không loại trừ, có những mô hình kinh doanh có thể phục vụ đa phân khúc. Ví dụ, facebook là mô hình kinh doanh phục vụ đa phân khúc, không phân biệt già trẻ, trai gái, địa lý…

Do đó, khi doanh nghiệp của bạn làm rõ yếu tố này, cần phải xác định sản phẩm dịch vụ của mình có thể phục vụ cho phân khúc nào, đa phân khúc hay đơn phân khúc.

Để đi sâu hơn yếu tố này, bạn cần vẽ được chân dung khách hàng tiềm năng của bạn. Họ là ai, họ có đặc điểm gì, là cá nhân hay tổ chức, độ tuổi, giới tính, yếu tố gia đình, con cái, thu nhập, vị trí địa lý, sở thích, hành vi…

Ví dụ: Thương hiệu Con Cưng xác định chân dung khách hàng của họ là phụ nữ và nam giới trong độ tuổi từ 25 đến 40, đang mang thai hoặc có con nhỏ từ 0 tuổi đến 12 tuổi, quan tâm đến các sản phẩm tốt cho con, có thu nhập ổn định…

Bạn cũng cần là rõ những vấn đề, những nỗi đau, những mong muốn của họ.

Từ đó, kết hợp với yếu tố đầu tiên, bạn điều chỉnh lại mô hình kinh doanh để hai yếu tố này phải phù hợp lẫn nhau!

Đó chính là mối quan hệ giữa các yếu tố trong mô hình kinh doanh của bạn!

Yếu tố cốt lõi thứ 3: Kênh phân phối chủ chốt

Kênh phân phối chủ chốt

Kênh phân phối chủ chốt

Sau khi đã làm rõ phân khúc khách hàng và giá trị sản phẩm dịch vụ của bạn mang lại cho họ, thì yếu tố tiếp theo bạn cần đánh giá và xem xét lại chính là xác định kênh phân phối.

Kênh phân phối chủ chốt chính là các phương thức, cách thức chính bạn sử dụng để mang những giá trị sản phẩm, dịch vụ của bạn đến với khách hàng.

Việc xác định kênh phân phối sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể là mô hình bán hàng B2B hay B2C, có thể là đặc tính sản phẩm, dịch vụ, có thể là yếu tố địa lý, giới tính…

Tùy từng thời điểm, kênh phân phối cũng sẽ được thay đổi theo xu thế hành vi của người tiêu dùng.

Ví dụ, trước đây, hàng hóa chủ yếu được phân phối qua kênh GT như chợ truyền thống, tạp hóa...nhưng hiện nay, các kênh MT đã và đang phát triển mạnh mẽ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi...đang tiếp tục thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Do đó, bạn không thể không tính đến các kênh này.

Bên cạnh đó, những kênh bán hàng hiện đại khác như thương mại điện tử, MLM, Affiliate...đều phải được doanh nghiệp của bạn tính toán để lựa chọn kênh phân phối chủ chốt của bạn.

Hiện nay, thương hiệu cafe Trung Nguyên xây dựng đa kênh phân phối, từ B2B đến B2C, từ MT đến GT, Horeca, thương mại điện tử, xuất khẩu…

Yếu tố cốt lõi thứ 4: Quan hệ khách hàng

Quan hệ khách hàng

Quan hệ khách hàng

Sau khi xây dựng thành công kênh phân phối, bạn có được khách hàng thì việc quan tâm tiếp theo cần giải quyết chính là xác định kênh và cách thức quan hệ khách hàng.

Bạn làm thế nào để chăm sóc khách hàng, để giữ chân khách hàng, để phát triển khách hàng mới từ khách hàng củ, để biến khách hàng mới của bạn thành khách hàng trung thành và thành fan của bạn?

Đó chính là những câu hỏi bạn cần trả lời cho việc làm rõ kênh quan hệ khách hàng trong mô hình kinh doanh của bạn!

Ngày nay, khách hàng ngày càng khó tính hơn, thông tin tham khảo nhiều hơn và rất dễ dàng, môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn nhưng khả năng trung thành của khách hàng ngày càng kém đi. Vì thế, việc xác định và xây dựng kênh quan hệ khách hàng là một yếu tố doanh nghiệp của bạn không được xem nhẹ.

Sự phát triển của công nghệ cũng mang lại cơ hội cho bạn xây dựng và chăm sóc khách hàng, giữ chân khách hàng thuận lợi hơn.

Do đó, doanh nghiệp của bạn cần tận dụng tất cả những tiến bộ công nghệ này, như hệ thống phần mềm CRM, ERP...để làm cho quan hệ khách hàng của bạn ngày càng hiệu quả hơn.

Các giải pháp phổ biến và hiệu quả khác được nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công là email, app mobile, chương trình Member…

Yếu tố cốt lõi thứ 5: Mô hình doanh thu chủ chốt

Mô hình doanh thu chủ chốt

Mô hình doanh thu chủ chốt

Mô hình doanh thu sẽ giúp bạn xác định rõ doanh nghiệp của bạn sẽ kiếm tiền từ đâu?

Khi bạn mang sản phẩm, dịch vụ đến phục vụ khách hàng của bạn thì bạn sẽ kiếm tiền từ nhóm khách hàng nào, từ sản phẩm nào, từ dịch vụ nào, từ hoạt động nào?

Sẽ có rất nhiều dòng tiền xuất hiện trong mô hình kinh doanh của bạn, tuy nhiên bạn cần xác định rõ mô hình doanh thu và lợi nhuận chủ chốt để tập trung tối ưu dòng tiền này cho doanh nghiệp của bạn.

Có những mô hình kinh doanh như facebook, google xác định mô hình doanh thu freemium - miễn phí đầu vào và thu phí cho các dịch vụ nâng cao, dịch vụ kèm theo, dịch vụ quảng cáo…

Yếu tố cốt lõi thứ 6: Các hoạt động chủ chốt

Các hoạt động chủ chốt

Các hoạt động chủ chốt

Các hoạt động chủ chốt là những hoạt động tạo ra được sản phẩm dịch vụ và vận hành được mô hình giá trị - khách hàng.

Doanh nghiệp của bạn cần tạo ra những hoạt động quan trọng nào để tạo ra giá trị, để mang giá trị đến với khách hàng, để xây dựng quan hệ khách hàng?

Đó có thể là nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm, sản xuất, marketing, bán hàng, lập trình web, app…

Tùy từng mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp của bạn sẽ làm rõ các hoạt động chủ chốt cần triển khai cho doanh nghiệp của bạn vận hành và mang lại doanh thu cho bạn.

Ví dụ: Các công ty công nghệ như facebook, google thì hoạt động chủ chốt của họ là hoạt động lập trình, các công ty kinh doanh sản phẩm vật lý như samsung thì hoạt động chủ chốt là hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, sản xuất sản phẩm…

Yếu tố cốt lõi thứ 7: Các nguồn lực chủ chốt

Các nguồn lực chủ chốt

Các nguồn lực chủ chốt

Các nguồn lực chủ chốt trong mô hình kinh doanh là những nguồn lực dùng để triển khai các hoạt động chủ chốt tạo ra giá trị khác biệt cho doanh nghiệp của bạn và vận hành mô hình kinh doanh của bạn.

Tùy thuộc vào từng mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp của bạn sẽ xác định những nguồn lực chủ chốt phải có.

Đó có thể là tài chính, có thể là đội ngũ con người hoặc là nền tảng công nghệ…

Tất cả cần được doanh nghiệp của bạn xác định rõ ràng để làm cơ sở cho việc chuẩn bị các nguồn lực vận hành mô hình kinh doanh.

Ví dụ: Các công ty startup hiện nay thường xác định nguồn lực chủ chốt là các nền tảng công nghệ, con người, tài chính....

Yếu tố cốt lõi thứ 8: Các đối tác chủ chốt

Các đối tác chủ chốt

Các đối tác chủ chốt

Doanh nghiệp của bạn sẽ không thể nào chạy được nếu chỉ đơn độc một mình.

Bạn cần phải xác định rõ những đối tác chủ chốt trong mô hình kinh doanh của bạn là những ai, nhưng cơ quan, tổ chức, cá nhân nào?

Đó có thể là nhà cung cấp, ngân hàng, quỹ đầu tư, đơn vị vận tải, đơn vị dịch vụ…

Càng xác định rõ các đối tác chủ chốt sẽ giúp cho doanh nghiệp của bạn có sự chuẩn bị kỹ càng để hỗ trợ cho quá trình tạo ra giá trị và mang lại giá trị cho khách hàng của bạn.

Cũng như yếu tố nguồn lực chủ chốt, các đối tác chủ chốt khi được xác định và chuẩn bị đầy đủ, doanh nghiệp của bạn sẽ không bị rơi vào tình trạng phải đứng giữa chừng khi mất hoặc thiếu các nguồn lực trong quá trình triển khai thực tế.

Ví dụ: Đối tác chủ chốt của các sàn giao dịch bất động sản là các chủ đầu tư dự án và ngược lại, các chủ đầu tư dự án ngoài các công ty xây dựng, ngân hàng là đối tác chủ chốt thì các sàn giao dịch bất động sản cũng là một đối tác chủ chốt.

Yếu tố cốt lõi thứ 9: Mô hình chi phí

Mô hình chi phí

Mô hình chi phí

Làm rõ mô hình chi phí sẽ giúp doanh nghiệp của bạn xác định các dòng tiền ra của hoạt động kinh doanh, từ đó có kế hoạch tối ưu chi phí trong quá trình vận hành.

Chi phí trong mô hình kinh doanh chính là dòng tiền phải chi để các nguồn lực chủ chốt triển khai các hoạt động chủ chốt nhằm tạo ra giá trị và mang đến cho khách hàng.

Có nhiều chi phí sẽ phát sinh trong quá trình kinh doanh, bao gồm các chi phí cố định và chi phí lưu động.

Chi phí nhân sự, đầu tư, marketing, bán hàng, quản lý, nguyên vật liệu, nghiên cứu, phát triển...tất cả đều phải được tính toán đầy đủ.

Với mô hình chi phí, doanh nghiệp của bạn cần phải xây dựng một dự toán tài chính và kế hoạch tài chính chi tiết để đảm bảo phù hợp với mô hình doanh thu, đảm bảo dòng tiền dương cho doanh nghiệp của bạn.

Hiện nay các công ty công nghệ như Facebook, Google, MicroSoft... là những mô hình kinh doanh có cấu trúc chi phí tối ưu nhất nên lợi nhuận mang về sẽ vô cùng lớn.

...................................................................................................................................

Trên đây là những kiến thức cơ bản về mô hình kinh doanh và 9 yếu tố cốt lõi không thể thiếu của nó.

Hy vọng rằng, với những kiến thức trên, Nhật Thực Media sẽ giúp bạn và doanh nghiệp của bạn có thể rà soát và hoạch định lại mô hình kinh doanh của mình.

Qua đó bạn sẽ có một khởi đầu mới hoàn chỉnh hơn và bài bản hơn cho một năm kinh doanh đột phá.

Nhật Thực Media với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện tại thành phố Hải Phòng sẽ luôn đồng hành cùng bạn cho một năm mới thành công và đại thắng!

 

 

Tìm hiểu thêm:

Dịch vụ thiết kế nhận diện thương hiệu tại Nhật Thực Media

Dịch vụ thiết kế website của Nhật Thực Media

Dịch vụ sản xuất video và TVC của Nhật Thực Media

Dịch vụ phát triển kênh Youtube của Nhật Thực Media

Dịch vụ quản lý Streamer/ gamer/Ca sĩ của Nhật Thực Media

Dịch vụ phòng thu âm của Nhật Thực Media